Địa lý Giang_Tô

Giang Tô nằm ở phía đông đại lục Trung Quốc, giới hạn từ 116°22'-121°55' kinh Đông, 30°46′-35°07′ vĩ Bắc. Có Trường GiangHoài Hà chảy qua ở phía nam và bắc, đông giáp Hoàng Hải, đông nam giáp Thượng Hải, nam giáp Chiết Giang, tây giáp An Huy, bắc giáp Sơn Đông.[17] Giang Tô nằm ở vùng chuyển giao giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc, khí hậu và thảm thực vật mang cả đặc điểm của phương Bắc và phương Nam. Giang Tô có diện tích 102.600 km², là tỉnh có diện tích nhỏ thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Hải Nam. Đường ranh giới trên đất liền của tỉnh Giang Tô dài 3.383 km, cùng với 954 km đường bờ biển.

Địa hình

Thái HồTuyết rơi tại Tứ Thủy đình ở huyện Bái, Từ Châu

Đại bộ phận Giang Tô là đồng bằng phù sa hạ du Trường Giang và Hoài Hà, địa thế toàn tỉnh nhìn chung là khá thấp và bằng phẳng, cũng là tỉnh thấp và bằng phẳng nhất tại Trung Quốc. Diện tích vùng đồng bằng tại Giang Tô là trên dưới 70.000 km², chiếm 69% diện tích toàn tỉnh; vùng mặt nước chiếm 17% diện tích của tỉnh, đồi núi thấp chiếm 14% diện tích của tỉnh và tập trung tại tây nam và bắc bộ.[18] Đỉnh Ngọc Nữ (玉女峰) trên Hoa Quả Sơn thuộc Liên Vân Cảng là điểm cao nhất Giang Tô với cao độ 624,4 mét trên mực nước biển. Hoa Quả Sơn tại Giang Tô được công nhận tương đối rộng rãi là nguyên mẫu của Hoa Quả Sơn trong Tây du ký.[19][20]

Sông hồ

Hầu hết các khu vực tại Giang Tô đều có hệ thống thủy khá phát triển, diện tích mặt nước của toàn tỉnh là 17.300 km², chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng diện tích và đứng đầu trong số các tỉnh tại Trung Quốc. Đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Thái Hồ ở phía nam của Trường Giang và đồng bằng Lý Hạ Hà ở giữa Trường Giang và Hoài Hà, các sông và kênh rạch hình thành một mạng lưới vô cùng dày đặc.

Trường Giang là sông lớn nhất tại Giang Tô, chảy theo hướng đông-tây, đoạn chảy qua Giang Tô của Trường Giang dài 425 km.[21] Trường Giang phân Giang Tô thành hai phần bắc và nam. Trên địa bàn Giang Tô, có sông Tần Hoài nhập vào Trường Giang tại Nam Kinh. Trong lịch sử, Hoài Hà từng chảy qua trung bắc bộ Giang Tô rồi đổ ra Hoàng Hải, tuy nhiên, kể từ năm 1194 thì Hoàng Hà đã đoạt mất đường thông ra biển của Hoài Hà. Đến năm 1885, khi Hoàng Hà lại chuyển dòng lên phía bắc để đổ ra Bột Hải, Hoài Hà không còn có thể thông ra biển qua đường cũ được nữa, mà phải theo hồ Hồng Trạch, hồ Cao Bưu cùng Đại Vận Hà để đổ nước vào Trường Giang. Các sông lớn khác tại Giang Tô là sông Nghi (沂河), sông Thuật (沭河) và sông Tứ (泗水).

Ngoài các dòng chảy tự nhiên, Giang Tô cũng có rất nhiều kênh. Trong đó Kinh-Hàng Đại Vận Hà trải dài 718 km[21] từ nam đến bắc của tỉnh, có cả thảy 8 địa cấp thị tại Giang Tô nằm ven tuyến Kinh-Hàng Đại Vận Hà, trong đó có các danh thành trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc như Tô Châu hay Dương Châu. Ngoài ra, Giang Tô còn có các kênh nổi danh khác như kênh thủy lợi Tô Bắc (苏北灌溉总渠, dẫn nước từ Hoài Hà ra biển theo dòng chảy cũ) và Thông Dương Vận Hà (通扬运河).

Giang Tô là tỉnh tập trung nhiều hồ nhất Trung Quốc, với trên 290 hồ lớn nhỏ, tổng diện tích mặt hồ của toàn tỉnh Giang Tô là 6.853 km², chiếm tỷ lệ 6% diện tích, đứng đầu cả nước. Trong đó các hồ có diện tích trên 1000 km² là Thái Hồ (2250 km²) và hồ Hồng Trạch (2069 km²), đứng vị trí thứ 3 và thứ 4 trong năm hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Các hồ có diện tích từ 100–1000 km² có hồ Cao Bưu (高邮湖), hồ Lạc Mã (骆马湖), hồ Thạch Cữu (石臼湖), hồ Cách (滆湖), hồ Bạch Mã (白马湖) và hồ Dương Trừng (阳澄湖). Các hồ có diện tích từ 50–100 km² tại Giang Tô gồm hồ Trường Đãng (长荡湖), hồ Thiệu Bá (邵伯湖), hồ Điến Sơn (淀山湖), hồ Cố Thành (固城湖). Các hồ tại Giang Tô không chỉ là một nguồn nước quan trọng mà còn là những nơi có nguồn lợi thủy sản, có giá trị trong giao thông đường thủy. Với một tỉnh có địa thế thấp như Giang Tô, các hồ nước còn có tác dụng chứa nước trong các cơn lụt lớn.

Khí hậu

Hầu hết Giang Tô nằm trong đới khí hậu cận nhiệt đới ẩm (Cfa hay Cwa trong phân loại khí hậu Köppen), và bắt đầu chuyển sang đới khí hậu lục địa ẩm (Köppen Dwa) ở xa về phía bắc. Giữa các mùa có sự phân biệt rõ ràng, với nhiệt độ trung bình từ −1 đến 4 °C (30 đến 39 °F) vào tháng 1 đến 26 đến 29 °C (79 đến 84 °F) vào tháng 7. Mưa rơi thường xuyên giữa mùa xuân và mùa hè (mai vũ), các cơn bão nhiệt đới cùng với mưa bão xuất hiện vào cuối mùa hè và đầu mùa thu. Lượng mưa bình quân hàng năm của Giang Tô là 800 đến 1.200 milimét (31 đến 47 in), tập trung chủ yếu vào mùa hè, khi có gió mùa đông nam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giang_Tô http://www.people.com.cn/GB/shenghuo/1090/2435218.... http://english.peopledaily.com.cn/data/province/ji... http://news.sina.com.cn/c/2009-09-29/081516377168s... http://www.chinayts.gov.cn/Default.aspx?tabID=175&... http://www.jiangsu.gov.cn/ http://www.jiangsu.gov.cn http://www.js.gov.cn/zgjszjjs/jsgl/zrdl/ http://www.jscd.gov.cn/art/2007/9/1/art_894_52293.... http://www.gov.cn/test/2012-04/09/content_2109245.... http://www.wxgyxy.uun.cn/news/info/info11225.html